Có nên làm lối thoát hiểm cho nhà ống

Lối thoát hiểm cho nhà ống luôn là vấn đề nan giải tại các đô thị lớn hiện nay, đặc biệt sau 2 vụ hỏa hoạn thương tâm lấy đi 10 mạng người tại Hà Nội và TP.HCM. Vậy để giảm thiểu thiệt hại về tài sản và đảm bảo an toàn tính mạng khi sự cố cháy nổ xảy ra, nên bố trí cửa thoát hiểm ở đâu, thiết kế như thế nào cho hiệu quả?

Hiện nay, lối thoát hiểm cho chung cư, nhà ở cao tầng nói chung và lối thoát hiểm nhà ống nói riêng được nhìn nhận cực kỳ nghiêm túc dưới góc độ thiết kế kiến trúc. Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa, đất chật người đông, quỹ đất ở tại các thành phố ngày càng hạn hẹp, việc thiết kế lối thoát hiểm cho công trình nhà ở không được chú trọng thích đáng, thậm chí nhiều trường hợp còn lãng quên hạng mục thiết yếu này.

Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Kit Plus tìm hiểu tổng quan về lối thoát hiểm cho nhà ống và những giải pháp bố trí, thiết kế lối thoát hiểm hữu hiệu có thể áp dụng đối với hầu hết mọi trường hợp.

Lối thoát hiểm là gì?

Hiểu một cách nôm na thì lối thoát hiểm chính là đường thoát nạn, được sử dụng để thoát người ra khỏi công trình đang có sự cố (hỏa hoạn) xảy ra. Các công trình nhà cao tầng cần ít nhất 2 lối thoát hiểm và bố trí phân tán trong cùng một mặt bằng nhằm đảm bảo an toàn cho người thoát nạn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng chữa cháy dễ dàng tiếp cận, xử lý.

Đối với nhà cao tầng có diện tích lớn hơn 300m2 mỗi tàng, lối đi hoặc hành lang chung cần có tối thiểu 2 lối thoát ra 2 cầu thang thoát nạn. Nếu diện tích mỗi tầng nhỏ hơn 300m2 thì thiết kế một cầu thang thoát nạn ở một phía, phía kia bố trí ban công nối với thang thoát nạn bên ngoài. Tuy nhiên, ban công nối thang thoát nạn bên ngoài phải chứa đủ số người trên tầng đó.

Nhà ống tại các đô thị lớn được xây dựng san sát nhau, khó bố trí lối thoát hiểm
Nhà ống tại các đô thị lớn được xây dựng san sát nhau, khó bố trí lối thoát hiểm

Một số quy định về lối thoát hiểm

Thiết kế lối thoát hiểm cho chung cư, nhà ở cao tầng cần tuân thủ một số quy định, tiêu chuẩn như sau:

  • Vị trí cửa thoát hiểm

– Lối thoát hiểm từ phòng tầng 1 phải trực tiếp ra ngoài nhà hoặc qua tiền sảnh để ra ngoài nhà.

– Lối thoát hiểm từ bất kỳ phòng của tầng nào tới cầu thang đều phải có lối qua tiền sảnh ra ngoài/lối trực tiếp ra ngoài nhà.

– Lối thoát hiểm từ các phòng tới lối đi qua hành lang phải có lối vào cầu thang đi ra ngoài/lối trực tiếp ra ngoài nhà.

– Lối thoát hiểm cần phải dẫn tới những khu vực an toàn, không bị che phủ bởi khói bụi trong thời gian nhất định.

– Ưu tiên dùng lối thoát hiểm đi qua hành lang, tiền sảnh và cầu thang bộ.

  • Quy định về thiết kế, xây dựng lối thoát hiểm

Trong cùng một tầng, lối thoát nạn từ các phòng vào phòng bên cạnh phải có khả năng chịu lửa từ cấp 3 trở lên. Lối thoát cần có đường trực tiếp ra ngoài hoặc vào cầu thang có lối thoát ra ngoài. Lối thoát hiểm tránh kết nối với những phòng chứa các ngành sản xuất có tính nguy hiểm hạng A, B, C.

Mặt khác, lối thoát hiểm phải được thiết kế sao cho có thể dẫn từ các phòng của bất kỳ tầng nào (không tính tầng 1) tới hành lang dẫn đến cầu thang. Cầu thang phải qua tiền sảnh được ngăn cách với các hành lang bằng vách ngăn có lối đi/cửa đi dẫn trực tiếp ra bên ngoài.

Nên thiết kế các lối thoát hiểm giữa hai cầu thang chung 1 tiền sảnh và một trong 2 cầu thang cần có lối trực tiếp ra ngoài tiền sảnh. Thang máy băng chuyền không phải là lối thoát hiểm bởi hạng mục này không thể hoạt động khi xảy ra cháy nổ.

  • Thiết bị cài đặt ở lối thoát hiểm

Để có thể dễ dàng nhận biết khi xảy ra hỏa hoạn, lối thoát hiểm cần được trang bị đèn phản quang. Cùng với đó, đường dẫn lối cần có ký hiệu hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Nên tránh lắp gương gần lối thoát hiểm bởi nếu chạm phải sẽ gây bỏng nhiệt.

Tầm quan trọng của lối thoát hiểm đối với nhà ống

Tại các thành phố, đô thị lớn hiện nay, nhà ống thường nhỏ – hẹp – sâu và bị bao bọc bởi nhiều nhà cao tầng xung quanh. Do đó, ngoài chú trọng thiết kế nội – ngoại thất đảm bảo các tiện ích sinh hoạt, cần quan tâm thích đáng tới phương án thoát hiểm trong những trường hợp khẩn cấp, đặc biệt là sự cố hỏa hoạn.

Kiến trúc sư luôn khuyến nghị gia chủ thiết kế lối thoát hiểm cho nhà ống như ban công, giếng trời, cửa sổ, cửa hậu, lối trổ lên mái…, phòng sự cố xảy ra có thể thoát thân nhanh chóng, đảm bảo an toàn tính mạng cho các thành viên gia đình.

hình ảnh mặt bên nhà ống với các ô khoanh tròn màu đỏ thể hiện lối thoát hiểm
Lối thoát hiểm là hạng mục không thể bỏ qua khi thiết kế, thi công nhà ống.

Tuy nhiên, trên thực tế, để đảm bảo an toàn, chống trộm cắp, nhà ống thường được thiết kế và xây dựng kiểu “kín cổng cao tường” với nhiều lớp cửa, lồng sắt, lam che, lưới an toàn… Do đó, khi xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn sẽ khó có đường thoát ra ngoài một cách nhanh chóng, an toàn. Lực lượng cứu hộ cứu nạn cũng rất khó tiếp cận nhà ống trong ngõ sâu chật hẹp.

Hơn nữa, do tính đặc thù của nhà ống nên việc thiết kế phòng cháy và lắp đặt các thiết bị báo cháy, chữa cháy theo tiêu chuẩn thông thường cũng không hề đơn giản, khó khăn hơn so với các công trình lớn như chung cư cao tầng, nhà xưởng…

Do không có lối thoát hiểm nên khi đám cháy trong nhà ống bùng phát, các thành viên không thể thoát ra ngoài nhanh chóng dẫn đến ngạt khí, thiệt mạng. Thế nên, việc thiết kế lối thoát hiểm cho nhà ống là cấp thiết, cần được nhìn nhận nghiêm túc.

Bố trí lối thoát hiểm cho nhà ống như thế nào?

Ngay từ khi lên ý tưởng thiết kế nhà ống, gia chủ và kiến trúc sư thống nhất với nhau về phương án bố trí lối thoát hiểm, cửa thoát hiểm. Nhà ống đơn thuần hay nhà phố kết hợp kinh doanh đều có hai dạng khoảng trống thông phòng là cửa đi, cửa sổ + ô thoáng. Theo đó, kiến trúc sư sẽ thiết kế lối thoát hiểm chính và lối thoát hiểm dự phòng.

Trong đó, lối thoát chính gồm cửa chính, cửa phụ (cửa hậu hoặc cửa mặt bên nhà), cửa ra ban công, cửa lên tầng tum… Lối thoát dự phòng gồm giếng trời, ô thoáng và cửa sổ – cửa sổ mặt tiền, cửa sổ mặt bên hoặc cửa sổ sau nhà ống.

Mỗi tầng nhà ống nên có 2 lối thoát hiểm

Khi thiết kế và xây dựng nhà ống, bạn cần đảm bảo mỗi tầng có ít nhất 2 lối thoát hiểm: Một lối thoát ra cầu thang lên hoặc xuống, lối còn lại có thể là ban công, lô gia hoặc cửa sổ. Tương tự, mỗi phòng trong nhà nên có 2 lối thoát hiểm: cửa phòng dẫn ra cầu thang, tiền sảnh; lối thoát từ cửa sổ, ban công, lô gia.

Lưu ý, tùy quy mô từng loại công trình là nhà phố hay nhà chung cư, lối thoát hiểm xa nhất không quá 25m.

Thiết kế nhà ống có ban công, lô gia

Ban công, lô gia được đánh giá là lối thoát hiểm quan trọng, hữu hiệu khi xảy ra hỏa hoạn, cháy nổi. Không chỉ giúp che mưa, chắn nắng, tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà, ban công còn là khu vực thông thoáng để bạn tránh bị ngạt khói, duy trì sự sống trong khi chờ lực lượng cứu hỏa tới giải cứu.

Ban công, lô gia nhà ống là lối thoát hiểm hữu hiệu khi xảy ra hỏa hoạn.
Ban công, lô gia nhà ống là lối thoát hiểm hữu hiệu khi xảy ra hỏa hoạn.

Nếu ban công, lô gia nhà ống được bịt kín bằng khung sắt hoặc lam, lưới an toàn thì nên bố trí ô cửa mở bằng bản lề, có khóa mở phòng trường hợp khẩn cấp. Nên để chìa khóa ở nơi cố định, dễ dàng tìm thấy, cẩn thận hơn có thể đánh làm nhiều chìa, chia cho các thành viên gia đình cất giữ.

Thiết kế nhà ống giếng trời, sân thượng

Với nhà ống, nhà phố hiện nay, giếng trời đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc lấy sáng tự nhiên, đối lưu không khí và tăng tính kết nối giữa con người với thiên nhiên, giữa các thành viên gia đình với nhau. Đặc biệt, khi xảy ra hỏa hoạn, giếng trời còn giúp thoát khỏi thẳng lên trên một cách nhanh chóng, giảm lượng khói quẩn trong nhà, hạn chế tình trạng ngạt khí.

Tương tự ban công, lô gia, sân thượng cũng là khoảng trống rộng thoáng giúp thoát hiểm nhanh chóng trong những trường hợp khẩn cấp. Khi xảy ra sự cố (hỏa hoạn), các thành viên gia đình sẽ lên sân thượng chờ lực lượng cứu hộ cứu nạn tới hoặc thoát sang nhà hàng xóm kế cận.

Theo các chuyên gia, khoảng 10 hộ dân gần nhau có thể tạo thành một mặt bằng trên sân thượng, tạo khoảng trống thoát hiểm thông thoáng, dễ dàng được tiếp cận bởi lực lượng cứu hộ cứu nạn.

Vậy nên, bạn đừng tận dụng triệt để diện tích đất để tối ưu hóa công năng nhà ống, hãy chừa khoảng không phía sau khoảng 1,5-2m để đảm bảo thông thoáng và có lối thoát hiểm khi cần.

giếng trời nhà ống đẹp
Giếng trời, khoảng thông tầng không chỉ đảm bảo sự thông thoáng cho nhà ống mà còn giúp thoát khói thẳng lên trên khi có cháy.

Nếu nhà ống không có sân thượng, ban công, lô gia thì nên gắn bản lề có khóa cho khung bảo vệ cửa sổ để mở trong những trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn. Tuy nhiên, nên hạn chế sử dụng loại khóa cần chìa mới mở được cửa.

Thiết kế lối thoát hiểm cho nhà ống theo cửa chính

Cửa chính nhà ống hiện nay thường gồm hai lớp, ngoài cửa đóng mở thông thường còn có thêm cửa sắt xếp, cửa cuốn, cửa kéo bên ngoài. Xét về phòng cháy chữa cháy, thiết kế này không hiệu quả, không thuận lợi để thoát hiểm.

Các lớp cửa nếu khó mở, chốt khóa phức tạp sẽ “giam” các thành viên gia đình bên trong, gây ngạt khí, nguy hiểm tới tính mạng. Do đó, bạn nên sử dụng hệ thống chốt khóa hiện đại, vận hành đơn giản, phòng những lúc nguy cấp. Trường hợp cửa chính chỉ có 1 lớp, bạn nên thiết kế cửa mở quay ra ngoài để thoát nạn dễ hơn.

Tốt nhất, bạn nên làm cửa thoát hiểm có cánh đóng mở dễ dàng. Đối với cửa thoát hiểm làm bằng kính cường lực, bạn nên bố trí chốt mở thuận tiện, đồng thời sắm thêm dao cắt kính hoặc búa để đập bỏ thoát nạn khi cần.

Thiết kế cửa thoát hiểm bên hông hoặc phía sau nhà

Với nhà ống có 2-3 mặt thoáng, gia chủ nên bố trí thêm cửa thoát hiểm ở bên hông nhà hoặc phía sau nhà. Đây là hệ thống cửa phụ để thoát nạn khi hỏa hoạn xảy ra mà không thể thoát qua cửa chính.

Tương tự như cửa chính, hệ thống chốt khóa của cửa bên hông và cửa phía sau nhà nên đơn giản, dễ sử dụng nhưng vẫn đảm bảo yếu tố an toàn cho gia chủ. Độ trơn nhạy của khóa cửa nên được kiểm tra thường xuyên. Nếu sử dụng kiểu khóa dùng chìa để mở, bạn nên để chìa ở nơi cố định, dễ tìm thấy trong điều kiện thiếu sáng.

mẫu nhà ống 2 mặt tiền đẹp
Với nhà ống có 2 mặt thoáng, gia chủ nên bố trí thêm cửa thoát hiểm ở bên hông
hoặc phía sau nhà.

Thiết kế cầu thang thoát hiểm lên mái

Toàn bộ hoặc một phần sàn mái nhà ống được làm bằng phẳng để đặt bồn nước. Theo đó, sẽ có thang kỹ thuật lên mái và đây được xem là một trong những lối thoát hiểm hữu hiệu. Tuy nhiên, cầu thang kỹ thuật cần được thiết kế sao cho tiện dụng, dễ dàng thoát ra ngoài khi có sự cố.

Thang kỹ thuật thường được làm bằng thép gắn trực tiếp vào tường. Bạn cũng có thể sử dụng thang rời bằng nhôm hình dáng chữ A. Thực tế cho thấy, kiểu thang có tay vịn sẽ tiện lợi hơn khi sử dụng.

Lắp đặt thiết bị báo cháy, bình chữa cháy

Chủ nhà nên lắp đặt hệ thống cảm biến khói, báo cháy hoặc còi báo động để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố cháy nổ. Gia chủ cũng nên trang bị thêm bình chữa cháy dạng phun bọt hoặc khí CO2 để tất cả các thành viên trong nhà đều có thể chủ động hơn trong việc ứng phó với hỏa hoạn. Mua thang dây thoát hiểm cũng là gợi ý đáng để bạn tham khảo.

Ngoài ra, hãy kiểm tra thường xuyên vị trí lối thoát hiểm, cửa thoát hiểm có đảm bảo vận hành tốt; hệ thống điện quá tải hay không, có tiềm ẩn nguy cơ chập cháy… để kịp thời khắc phục, xử lý.

Cuối cùng, cần nâng cao nhận thức, ý thức của con người về an toàn phòng cháy chữa cháy. Các thành viên gia đình đều phải cẩn thận trong các hoạt động sinh hoạt liên quan tới lửa như hút thuốc, đun nấu, đốt vàng mã, thắp hương… Ngoài ra, bạn có thể xây dựng một kịch bản thoát hiểm khi hỏa hoạn, đưa ra nhiều giải pháp ứng phó đối với từng trường hợp cụ thể.

Với những thông tin hữu ích mà Phụ kiện bếp Kit Plus chia sẻ trên đây, bạn đọc hẳn sẽ thấy rõ hơn tầm quan trọng của lối thoát hiểm đối với nhà phố hiện nay. Gia chủ đặc biệt lưu ý vấn đề này khi thiết kế nhà ở nói chung và nhà ống nói riêng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat hỗ trợ
Chat ngay